Loading ...
Loading...
[GOLD-USD] 2337.97
Loading...

Cường kích 40 tuổi Mỹ có thể diệt xe tăng mang giáp phản ứng nổ

Thử nghiệm của không quân Mỹ cho thấy pháo 30 mm trên cường kích A-10 có thể diệt các loại xe tăng hiện đại trang bị giáp phản ứng nổ.

Trong cuộc thử nghiệm tại Thao trường Huấn luyện và Thử nghiệm Nevada, hai cường kích A-10C xả loạt đạn xuyên giáp nhằm vào mục tiêu xe tăng chiến đấu chủ lực trang bị giáp phản ứng nổ. Đây là loại giáp được thiết kế cho các xe tăng hiện đại, nhằm giảm thiệt hại trước các loại đạn chống tăng của đối phương, không đoàn số 53 thuộc không quân Mỹ cuối tuần trước cho hay.

Các chuyên gia không quân Mỹ đã phân tích kết quả thử nghiệm và xác định giáp phản ứng nổ trên xe tăng không chống được loạt đạn 30 mm từ cường kích A-10.

“Thử nghiệm chứng minh rằng phương tiện bọc thép hiện đại được trang bị giáp phản ứng nổ rất dễ bị tổn thương trước pháo của A-10C”, không quân Mỹ cho biết.

Cường kích A-10 bay trên Thao trường Huấn luyện và Thử nghiệm Nevada, Mỹ tháng 9/2021. Ảnh: USAF.

Cường kích A-10 bay trên Thao trường Huấn luyện và Thử nghiệm Nevada, Mỹ tháng 9/2021. Ảnh: USAF.

Cường kích A-10 được trang bị pháo 7 nòng GAU-8 Avenger 30 mm ở mũi, có thể xả tới 3.900 phát đạn/phút. “Mỗi loạt bắn của A-10 gồm 120 viên đạn, nghĩa là một cường kích có thể bắn 9-10 mục tiêu trước khi hết đạn”, thiếu tá Kyle Adkison, chỉ huy phi đoàn đánh giá và thử nghiệm số 422, cho biết. “Một phi đội A-10 có thể tiêu diệt 40 thiết giáp đối phương với đạn pháo 30 mm của mình”.

Không quân Mỹ đánh giá cường kích A-10 có thể “nhanh chóng cung cấp hỏa lực mạnh diện rộng với khả năng hủy diệt phương tiện của đối phương trong môi trường giao tranh khốc liệt”.

Bất chấp năng lực tác chiến tầm gần của A-10, không quân Mỹ từ năm 2015 tìm cách loại biên mẫu cường kích này để dành ngân sách cho các dự án khác. Tuy nhiên, nỗ lực này bị quốc hội Mỹ nhiều lần ngăn cản.

A-10 được phát triển vào đầu thập niên 1970, khi quân đội Mỹ cần một mẫu cường kích chuyên biệt. Không quân Mỹ biên chế chiếc A-10 đầu tiên vào năm 1976. Tổng cộng 716 cường kích A-10 được sản xuất trong giai đoạn 1972-1984.

Buồng lái của cường kích A-10 được trang bị lớp giáp titan dày 12,7-38,1 mm, có thể chịu được đạn phòng không 23 mm. Ngoài pháo 30 mm ở mũi, A-10 có thể mang theo rocket, bom và tên lửa.

Cường kích A-10 có thể đạt tốc độ tối đa 706 km/h, có tầm bay 4.150 km và bán kính chiến đấu khi thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực tầm gần là 400 km.

Theo Vnexpress.net

Chia sẻ bài viết